Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp được xem là quyết định quan trọng trong cuộc sống. Có hai góc nhìn phổ biến trong hành trình chọn lựa nghề nghiệp: Đó là Nghề chọn người hay Người chọn nghề? Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá hai quan điểm này cũng như khám phá những yếu tố cần xem xét khi đưa ra quyết định về nghề nghiệp nhé!
Quan điểm Nghề chọn người
Với quan điểm “Nghề chọn người”, bạn có thể hiểu một trong những cách lý giải sau:
Thứ nhất, một số người bẩm sinh đã có khả năng, sở thích, hoặc kiến thức bẩm sinh trong một lĩnh vực nào đó. Điều này có thể xuất phát từ di truyền, giáo dục từ gia đình, hoặc tương tác với môi trường xung quanh,…. Khi bạn có bẩm sinh một khả năng hoặc đam mê trong một lĩnh vực cụ thể, công việc trở nên dễ dàng hơn và bạn thường có khả năng xuất sắc hơn trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, nếu muốn trở nên thành công lâu dài còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như sự kiên trì, tư duy cầu tiến, thái độ tích cực,…
Thứ hai, trước khi quyết định chọn một một ngành nghề để theo học thì chúng ta đã tìm hiểu, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều người khi đã hoặc đang làm những công việc mà mình đang theo học và định hướng rồi nhưng lại cảm thấy không hợp phù hợp. Khi ấy, bạn có thể có cơ hội tìm được một công việc khác phù hợp hơn, đam mê hơn, mặc dù đây không phải chuyên ngành có liên quan trực tiếp với bạn.
Tất nhiên, để có thể hoàn thành được các yêu cầu của công việc trái ngành thì bạn cũng sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều trong quá trình học hỏi cũng như rèn luyện kiến thức và kĩ năng.
Quan điểm Người chọn nghề
Với quan điểm “Người chọn nghề” thì ta cũng có thể giải thích theo 2 trường hợp sau:
Thứ nhất, đây là những người quyết định lựa chọn nghề nghiệp dựa trên nhu cầu và tiềm năng của thị trường lao động. Mặc dù họ có thể không có sở thích ban đầu trong lĩnh vực này, họ thấy đây là cơ hội để phát triển và đạt được thành công. Người chọn nghề không bị giới hạn bởi sự bẩm sinh, họ sẵn sàng học hỏi và rèn luyện để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đã chọn.
Thứ hai, họ cũng lựa chọn công việc theo sở thích và đam mê của chính mình. Công việc này đã được bạn định hướng khi đang là một sinh viên, bạn đã yêu thích và cố hết sức mình ứng tuyển vào chuyên ngành đó. Trong quá trình học, bạn cố gắng nỗ lực hoàn thiện kiến thức và kỹ năng để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Cho đến khi ra trường, bạn vẫn lựa chọn công việc đúng với chuyên ngành của mình.
Vậy quan điểm nào sẽ phù hợp với bạn: Nghề chọn người hay người chọn nghề?
Với 2 quan điểm này thì sẽ không có câu trả lời đúng sai. Điều này còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận và trải nghiệm của mỗi cá nhân. Trên thực tế, đã có khá nhiều người đã thành công với nghề “tay ngang” mà không phải là chuyên môn của họ. Thị trường việc làm tại Việt Nam rất rộng nhưng không phải ai cũng kiếm được việc đúng chuyên ngành mà mình theo học.
Các công việc khác nhau sẽ có những khó khăn và thuận lợi riêng, không có lựa chọn nào là đúng 100%, chỉ có lựa chọn thích hợp nhất thích hợp nhất với cá nhân từng người tại thời điểm cụ thể thôi.
Nên làm gì khi không còn yêu thích công việc hiện tại?
Việc không còn đam mê và hứng thú có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để đối mặt với tình huống này, bạn có thể thực hiện một trong những cách sau:
Hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi
Khi bạn đã không còn sự yêu thích với công việc hiện tại, đây là một thời điểm vô cùng nhạy cảm. Lúc này, hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi vài ngày, và dành khoảng thời gian đó để tự đánh giá và thấu hiểu bản thân.
Đặt câu hỏi
Hãy tự đặt câu hỏi với bản thân về nguyên nhân mất đi sự yêu thích, mất đi động lực làm việc. Có thể do công việc không còn phù hợp, môi trường làm việc không đáp ứng được nhu cầu bên trong của bạn. Tìm hiểu rõ nguyên nhân này sẽ giúp bạn tìm ra phương án giải quyết phù hợp.
Đi tìm lại động lực
Hãy cố gắng khám phá và tìm lại nguồn động lực trong công việc hiện tại thông qua những điều tích cực. Đặt mục tiêu mới cho bản thân, tham gia vào những dự án mới hoặc tìm hiểu về các khía cạnh khác của công việc. Đôi khi, việc thay đổi cách tiếp cận và tìm kiếm sự mới mẻ có thể giúp bạn khôi phục đam mê và hứng thú.
Chuyển hướng trái ngành
Nếu mọi cố gắng vẫn không mang lại sự thay đổi, hãy xem xét chuyển hướng. Điều này có thể bao gồm việc tìm hiểu về các lĩnh vực khác, tham gia vào các khóa học hoặc chương trình đào tạo để mở rộng kỹ năng và kiến thức của bạn. Đôi khi, việc thay đổi nghề nghiệp hoàn toàn có thể là lựa chọn tốt để tìm lại sự hứng thú và phát triển bản thân.
Tóm lại
Đối với hai quan điểm “Nghề chọn người hay người chọn nghề”, Be Flowers tin rằng không có quan điểm nào là đúng, cũng chẳng có quan điểm nào là sai. Bởi vì thực tế nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng biệt của từng cá nhân, và cách chúng ta nhìn nhận, cách chúng ta thấu hiểu nó. Hãy bớt áp lực và lo âu trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp. Điều quan trọng không phải là đúng hay sai, là sớm hay muộn, mà quan trọng là quá trình và thái độ của bạn trong quá trình tìm ra được nghề nghiệp phù hợp với chính mình.