Phương pháp dạy học dự án là một trong những phương pháp dạy học vừa có tính hợp tác, vừa có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng phương pháp này vào giảng dạy, thầy cô vẫn còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc. Vì thế, bài viết này, Be Flowers sẽ chia sẻ tới thầy cô, bạn đọc cách áp dụng phương pháp dạy học dự án này hiệu quả. 

Phương pháp dạy học dự án là gì?

Phương pháp dạy học dự án (Project-based learning) là một phương pháp giảng dạy tập trung vào việc học thông qua việc giải quyết tình huống thực tế. Nó không chỉ giúp học sinh tiếp thu được kiến thức mới mà còn phát triển kỹ năng và giải quyết vấn đề thực tế. 

Một số cách phân loại dạy học dự án có thể kể đến như:

  • Phân loại theo lĩnh vực hoạt động của dự án: Về giáo dục, về môi trường, văn hóa, kinh tế…
  • Phân loại theo nội dung chuyên môn: Dự án trong 1 môn, liên môn hoặc ngoài chương trình học tập.
  • Phân loại theo quy mô nhỏ, vừa, lớn, số người tham gia, thời gian, chi phí…
  • Phân loại theo tính chất công việc.
phương pháp dạy học dự án

Phương pháp dạy học dự án đã và đang được nhiều thầy cô áp dụng trong giảng dạy.

Đặc điểm của phương pháp dạy học dự án

Phương pháp dạy học dự án gồm 5 đặc điểm chính tạo nên một môi trường học tập thực sự độc đáo và thú vị, giúp học sinh học hỏi và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, thực tế và hiệu quả.

Tập trung vào học sinh

Trong phương pháp này, học sinh không chỉ là người tiếp nhận kiến thức mà còn là người chủ động trong việc học và khám phá. Học sinh được khuyến khích thể hiện ý tưởng, đưa ra quyết định và tìm giải pháp cho vấn đề.

Liên kết với thực tế

Dự án thường có liên quan đến thực tế, gắn liền với những tình huống của thực tiễn xã hội, với những nghề nghiệp cụ thể, giúp học sinh thấy được ứng dụng thực tế của kiến thức đã học.

Phát triển kỹ năng mềm

Thông qua quá trình thực hiện dự án, học sinh sẽ phát triển được kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phê phán và giao tiếp. Tất cả các kỹ năng này đều vô cùng quan trọng cho quá trình học tập cũng như hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp sau này. 

Đánh giá dựa trên sản phẩm

Trong phương pháp dạy học dự án, các đánh giá của thầy cô không chỉ dựa trên kết quả cuối cùng mà còn dựa trên quá trình học sinh tiến hành dự án, sự tiến bộ và sự phát triển của các em. Điều này sẽ tạo sự công bằng và cũng là động lực thúc đẩy học sinh phát huy hết năng lực của mình.

Hỗ trợ từ người hướng dẫn

Giáo viên sẽ đóng vai trò như một người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình thực hiện dự án. Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, khích lệ và hỗ trợ học sinh trong việc phát triển kỹ năng.

Cách áp dụng phương pháp dạy học dự án trong giảng dạy

Để áp dụng phương pháp dạy học dự án, thầy cô có thể tiến hành theo các bước sau đây:

Bước 1: Xác định rõ ràng mục tiêu của dự án

Trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp nào thầy cô cũng đều cần xác định được mục tiêu đạt được. Mục tiêu cần rõ ràng, phù hợp với khả năng và nhu cầu học tập của học sinh. Mục tiêu có thể liên quan đến việc tìm hiểu một khái niệm mới, sáng tạo một sản phẩm, hoặc giải quyết một vấn đề thực tế.

phương pháp dạy học dự án tập trung vào học sinh

Dạy học dự án tập trung vào học sinh.

Bước 2: Tiến hành chọn đề tài và chia nhóm

Khi đã xác định được mục tiêu, thầy cô cần chọn đề tài phù hợp với chương trình học tập và có thể ứng dụng vào thực tế. Sau đó, thầy cô phân chia lớp thành các nhóm nhỏ, hướng dẫn học sinh đề xuất, xác định tên đề tài. 

Bước 3: Hướng dẫn học sinh thực hiện phương pháp dạy học dự án

Thầy cô chủ động hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện dự án. Cách xây dựng đề cương cho dự án, gợi ý phân công công việc trong nhóm để hoạt động diễn ra thuận lợi. Một phần quan trọng trong bước này là khích lệ học sinh tự suy nghĩ và tìm kiếm giải pháp.

Bước 4: Đánh giá và phản hồi kết quả của dự án 

Như đã chia sẻ ở trên, phần đánh giá của giáo viên sẽ không chỉ dựa trên kết quả, mà còn dựa trên quá trình học sinh thực hiện dự án, sự tiến bộ và sự phát triển của các em. Sự phản hồi kịp thời và mang tính xây dựng của thầy cô sẽ giúp học sinh cải thiện kỹ năng và kiến thức của mình của mình hiệu quả nhất. Các em sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho các lần thực hiện dự án tiếp theo. 

Bước 5: Thầy cô kiểm định và cải tiến phương pháp dạy học dự án

Không chỉ học sinh mà các thầy cô sau mỗi dự án thực hiện cần phải có sự kiểm định, đánh giá lại hiệu quả để có thể thay đổi, cải tiến phương pháp dạy, cách thức hướng dẫn hoặc thậm chí thay đổi mục tiêu, chủ đề dự án phù hợp hơn với học sinh. 

Một số thách thức thầy cô có thể gặp phải khi dạy học dự án

Thiết kế dự án

Việc thiết kế một dự án học tập đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của thầy cô. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm tài nguyên học tập phù hợp cũng là một thách thức khá lớn. 

Đánh giá kết quả

Việc đánh giá kết quả dựa trên sản phẩm và quá trình hoàn thành dự án đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc từ giáo viên và có thể mất nhiều thời gian.

Đảm bảo sự tham gia của tất cả học sinh

Một số học sinh có thể cảm thấy không hứng thú hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện dự án. Việc đảm bảo tất cả học sinh đều tham gia và nhận thấy lợi ích từ dự án là một thách thức không nhỏ đối với thầy cô. 

Lời kết

Dạy học dự án là một cách tiếp cận hiệu quả để giúp học sinh phát triển kỹ năng, kiến thức và thái độ cần thiết cho hành trình phát triển nghề nghiệp phía trước. Mặc dù có những thách thức nhất định, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sáng tạo, Be Flowers tin tưởng rằng các thầy cô có thể vượt qua những thách thức này và tận dụng lợi ích tối đa của dạy học dự án. Cuối cùng, mục tiêu của giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn phát triển kỹ năng và tạo động lực cho học sinh tự học và khám phá. Và phương pháp dạy học dự án chính là một cách thức hữu ích để đạt được mục tiêu này.