Mất định hướng nghề nghiệp không phải là vấn đề quá xa lạ hiện nay. Giới trẻ ở lứa tuổi vị thành niên thường gặp phải tình trạng này trong giai đoạn tìm kiếm việc làm nhưng đôi khi chính bản thân các bạn cũng không nhận ra. Dẫn đến việc các bạn bị lạc hướng, thậm chí mơ hồ về chính bản thân mình.
1. Mất định hướng nghề nghiệp là gì?
Khi mất định hướng nghề nghiệp, bạn thường có cảm giác thiếu kết nối với công việc hiện tại. Điều này thể hiện rõ nhất khi bạn không cảm nhận được sự phát triển tích cực trong sự nghiệp hoặc lo lắng về việc mất đi kỹ năng chuyên môn, sở thích nghề nghiệp nếu theo đuổi một ngành nghề cụ thể.
2. Dấu hiệu nhận biết bạn đang mất định hướng nghề nghiệp
Có rất nhiều dấu hiệu giúp bạn dễ dàng nhận ra bản thân đang vướng trong tình trạng mất định hướng nghề nghiệp. Cụ thể như sau:
- Bạn thường xuyên cảm thấy buồn chán và có suy nghĩ nhảy việc.
- Mức lương thưởng và chức danh công việc vẫn giữ nguyên như ban đầu mà không có dấu hiệu của sự thăng tiến, phát triển.
- Hiệu suất làm việc được đánh giá nằm trong mức ổn định nhưng không xuất sắc.
- Bạn không có cơ hội được học hỏi nhiều kiến thức mới trong một khoảng thời gian dài.
- Mục tiêu nghề nghiệp tương lai mơ hồ, không rõ ràng.
- Bạn thường xuyên tự trách bản thân và có cảm giác thất bại, thua kém.
- Bạn rất hiếm khi được trao cơ hội phát triển hoặc lãnh đạo đội ngũ nhân sự bất kỳ.
3. Vì sao lại mất định hướng nghề nghiệp?
Nguyên nhân của việc mất định hướng nghề nghiệp là từ đâu? Dưới đây là một số lý do chính dẫn đến sự trì trệ và mất phương hướng nghề nghiệp của bạn:
- Thiếu cơ hội để học hỏi: Công việc hiện tại không mang lại cho bạn những cơ hội để tìm tòi, khám phá những điều mới. Điều này đã khiến bạn giảm thiểu sự hứng thú trong công việc và bị tụt hậu so với những người khác.
- Không có sự ghi nhận trong công việc: Doanh nghiệp không tăng lương hoặc đề xuất thăng tiến đã gây ra cho bạn những cảm giác tự ti, không hài lòng khi thiếu sự công nhận vì những nỗ lực trong suốt quá trình làm việc.
- Mất định hướng ngay từ lúc đầu: Nếu bạn lựa chọn ngành nghề, công việc chỉ đơn giản bằng việc nghe theo lời khuyên từ người khác thì tình trạng mất định hướng nghề nghiệp sẽ nhanh chóng và dễ dàng xảy ra.
- Không có nhiều cơ hội phát triển: Sự trì trệ trong công việc hoặc mất định hướng nghề nghiệp có thể xảy ra khi bạn không còn nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển lộ trình sự nghiệp trong tương lai.
4. Mất định hướng nghề nghiệp ảnh hưởng gì tới quá trình phát triển?
Mất định hướng nghề nghiệp có thể dẫn đến việc lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho việc học các ngành nghề không phù hợp. Việc lựa chọn sai ngành cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất động lực và không còn đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Khi không còn thấy ý nghĩa về giá trị của nghề nghiệp mang đến, bạn sẽ dễ cảm thấy chán nản và đưa ra quyết định bỏ việc.
5. Bạn cần phải làm gì khi mất định hướng nghề nghiệp?
Vậy bạn cần phải làm gì để khắc phục tình trạng mất định hướng nghề nghiệp này? Dưới đây là một số giải pháp điển hình mà bạn có thể tham khảo.
5.1 Nhìn lại bản thân, điểm mạnh, điểm yếu, sở thích
Trong quá trình tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp, bạn có thể xem xét những điểm mạnh và sở thích cá nhân của mình trước. Chẳng hạn nếu bạn nhận được nhiều lời khen ngợi về kỹ năng nấu ăn, bạn có thể cân nhắc về công việc trong lĩnh vực ẩm thực, đầu bếp. Việc liệt kê các điểm mạnh sẵn có của bản thân sẽ phần nào giúp bạn tìm ra được những ý tưởng nghề nghiệp phù hợp nhất.
5.2 Kiểm tra sở thích thông qua bài test
Một phương pháp có hiệu quả khác mà bạn có thể thực hiện để tránh tình trạng mất định hướng nghề nghiệp là thực hiện các bài kiểm tra tính cách. Việc tham gia các bài kiểm tra này sẽ giúp bạn tìm ra đâu là công việc phù hợp nhất với tính cách và năng lực của bản thân.
5.3 Trò chuyện cùng bạn bè tích cực
Khi bạn đang trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, việc trò chuyện với những người bạn đáng tin cậy là một cách tuyệt vời để khám phá những điểm mạnh và tìm ra sở thích của bản thân. Bởi lẽ, bạn bè chính là những người hiểu rõ bạn hơn bất kỳ ai khác. Vì vậy, họ có thể đưa ra những đánh giá khách quan về những điều bạn có thể làm tốt và những điểm yếu bạn cần khắc phục mà bạn chưa từng nghĩ đến.
5.4 Nâng cao sức khỏe, thay đổi lối sống
Việc tập thể dục tuy không trực tiếp liên quan đến việc giải quyết tình trạng mất định hướng nghề nghiệp, nhưng những điều này lại có tác động tích cực đối với tinh thần và tâm trạng của bạn. Vì thế, thay vì ngồi trước màn hình máy tính cả ngày, bạn có thể dành ra ít thời gian để di chuyển, tập thể dục hoặc đi bộ. Những hoạt động vận động thể chất có thể tạo ra môi trường lý tưởng để bạn thư giãn đầu óc, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực hiện tại.
5.5 Tham dự sự kiện và hội thảo hướng nghiệp, nghe podcast định hướng
Bạn hãy thử tìm hiểu và tham gia vào các sự kiện, chương trình liên quan đến lĩnh vực chuyên môn đang quan tâm để mở rộng mạng lưới mối quan hệ và đón nhận những cơ hội nghề nghiệp mới. Ngoài ra, thị trường sách và podcast về phát triển bản thân cũng sẽ cung cấp cho bạn nhiều tư liệu có giá trị. Các nguồn tài liệu này mang đến cho bạn động lực và truyền cảm hứng để không ngừng phát triển bản thân và khám phá những cơ hội mới trong sự nghiệp.
5.6 Tìm hiểu về thị trường việc làm
Nắm vững thông tin liên quan đến thị trường việc làm cũng là một giai đoạn quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp tương lai. Điều này bao gồm việc tìm hiểu về xu hướng tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng và trình độ, cũng như khả năng phát triển trong từng lĩnh vực công việc. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn hiểu rõ bản thân và kiểm soát được những thông tin này.
Qua bài viết trên, Be Flowers đã cùng bạn khám phá, tìm hiểu những nguyên nhân gây ra tình trạng mất định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm khắc phục vấn đề này. Hy vọng những chia sẻ trên đã phần nào giúp bạn xác định đúng hướng đi phù hợp nhất với bản thân trên con đường sự nghiệp sắp đến.